Nguy cơ thiếu và ô nhiễm nước: Ngày càng trầm trọng

Theo chỉ tiêu của Hội Tài nguyên Nước quốc tế, Việt Nam là một trong những nước đã, đang và sẽ thiếu nước trong tương lai gần. Tình hình càng nghiêm trọng do sự phân bố nước không đều theo thời gian. Trong 6-7 tháng mùa khô, dòng chảy chỉ đạt 15%-30% tổng dòng chảy năm, nạn thiếu nước trở nên khá trầm trọng.

Nguy cơ các nhà máy thủy điện không thể hoạt động hết công suất, dẫn đến thiếu điện trên diện rộng tại các tỉnh miền Bắc trong mùa khô năm nay hầu như là chắc chắn. Ngoài ra, do có đến hai phần ba lượng nước các sông của Việt Nam được sản sinh từ nước ngoài chảy vào, nên việc đạt được những thỏa thuận hợp lý với các nước bạn về sử dụng nước cũng hết sức quan trọng. Đây cũng là một trong những vấn đề lớn có tính toàn cầu được đặt ra tại Diễn đàn Nước quốc tế vừa được tổ chức tại Mehico, mà theo các chuyên gia của Quỹ Bảo tồn quốc tế về thiên nhiên – WWF, vẫn còn quá ít giải pháp cụ thể được khẳng định và cam kết thực hiện. Tuy nhiên, thiếu nước không chỉ là một khó khăn khách quan mà còn do sử dụng nguồn nước không hợp lý.

Tài nguyên nước ngầm của Việt Nam khá dồi dào với tổng trữ lượng có khả năng khai thác ước khoảng 60 tỷ m3 mỗi năm. Mới chỉ 5% trữ lượng này được khai thác, nhưng ở một số vùng, đặc biệt là tại thành phố Hà Nội và đồng bằng sông Cửu Long, nước ngầm lại bị khai thác quá mức và không đúng cách, dẫn đến sụt giảm mực nước ngầm, góp phần gây ra lún sụt đất, nhiễm mặn và các dạng ô nhiễm khác. “Lượng” đã vậy, chất lượng nước cũng đã đến lúc cần cảnh báo. Nước ở hạ lưu các con sông bị ô nhiễm khá rõ rệt, còn các hồ ao, kênh mương trong các khu đô thị thì đang trở thành các bể chứa nước thải. Hầu hết nước thải đô thị đều chưa được xử lý trước khi xả ra môi trường và cũng chỉ có 4,26% nước thải công nghiệp được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

Lấy ví dụ hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn. Trung bình mỗi ngày hệ thống sông này tiếp nhận khoảng 111.600m3 nước thải từ các khu công nghiệp, khu chế xuất của các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó chứa khoảng 15 tấn TSS, 77 tấn COD, 20 tấn BOD5, 1,6 tấn nitơ và 500kg phốtpho.

Tổng số dân của 11 tỉnh thành trong lưu vực gần 17,5 triệu người, mỗi ngày thải ra gần 100.000m3 nước thải sinh hoạt (trong đó sông Sài Gòn tiếp nhận trên 756.000m3), “đóng góp” trung bình 375 tấn TSS, 244 tấn BOD5, 456 tấn COD, 46 tấn dầu mỡ động thực vật cùng vô số loại vi khuẩn và vi trùng gây bệnh khác. Đó là chưa kể việc khai thác, sử dụng nhiều cụm cảng nước sâu phục vụ vận chuyển hàng hóa, kéo theo hàng loạt vấn đề khác như xả dầu cặn, chất thải có nguồn gốc dầu mỡ khoáng, chất thải sinh hoạt và một nguy cơ rất lớn khác luôn lơ lửng: sự cố tràn dầu.

Tuy ở mức độ ít hơn, nhưng hoạt động nông – lâm – ngư nghiệp cũng đặt ra rất nhiều vấn đề như axit hóa nguồn nước (do việc khai thác cải tạo đất phèn và sử dụng phân hóa học). Sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Long đến Bến Than và Bình Mỹ, nhất là các điểm xung quanh ngã ba sông Sài Gòn – Rạch Tra bị axit hóa rất nặng, nhất là vào mùa khô, có khi độ pH lên tới 6,0…

Theo các chuyên gia Cục Quản lý Tài nguyên nước, trong những năm tới, nếu không giải quyết được những thách thức lớn về quản lý nguồn nước, đa dạng hóa đầu tư cho cơ sở hạ tầng ngành nước, tăng cường giám sát thực thi pháp luật về môi trường và tăng cường sự tham gia của người dân vào công cuộc bảo vệ nguồn tài nguyên thiết yếu này, thì nguy cơ thiếu nước và nước ô nhiễm tại nước ta sẽ trầm trọng hơn bao giờ hết.

Theo Báo SGGP

Trả lời