Khử muối trong nước biển: Bài toán nước sạch tại quốc đảo Singapore

Nước sạch là một trong những vấn đề đau đầu của quốc đảo Singapore. Từ hơn 50 năm trước, Singapore đã phải hạn chế dùng nước sạch. Nước từ các con sông thì có mùi và bị tắc nghẽn bởi chất thải từ xưởng đóng tàu, các trang trại lợn và nhà vệ sinh đổ trực tiếp vào dòng chảy. Cũng từ mấy chục năm nay, Singapore phải nhập khẩu nước từ sông Johor, Malaysia, theo hai thỏa thuận song phương. Thỏa thuận đầu tiên đã hết hạn vào cuối năm 2011. Thỏa thuận thứ hai sẽ hết hạn vào năm 2061.

Quốc đảo sư tử Singapore xinh đẹp với Merlion Tower.

Tuy nhiên, nhập khẩu nước cũng chỉ là một trong những giải pháp bất đắc dĩ, bởi vì sự phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào khác về một vấn đề thiết yếu, mang tính sống còn như nước, là rất rủi ro và cần phải khắc phục càng sớm càng tốt, vì an ninh và sự phát triển bền vững của đất nước. Với mục tiêu có thể tự túc về nước, nhiều giải pháp bền vững được tiến hành ở quốc đảo này.

Và từ năm 1972, Singapore đã thiết lập một cơ quan quản lý tài nguyên nước, đó là PUB. Nếu như ở nhiều quốc gia, các cơ quan được phân chia theo nhiệm vụ chuyên biệt và chỉ tập trung vào việc của họ như phòng, chống lũ hoặc chỉ quản lý nước uống. Nhưng ở Singapore thì ngược lại, PUB quản lý toàn bộ lộ trình của nước. Họ cũng chịu trách nhiệm lập kế hoạch và thiết lập cơ sở hạ tầng về nước tốt để bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, với giá cả phải chăng cho các thế hệ tương lai. Trong nhiều năm qua, PUB đã liên tục đầu tư, nghiên cứu và phát triển về công nghệ nước để tìm kiếm thêm những cách xử lý, tái chế và cung cấp nước hiệu quả, kinh tế.

Đến nay, Singapore đã được quốc tế công nhận là một thành phố hiện đại kiểu mẫu về quản lý nước, một trung tâm dẫn đầu về các cơ hội kinh doanh và chuyên môn trong các công nghệ về nước. Người dân Singapore cũng có ý thức rất cao về tiết kiệm nước, cũng như ý thức về lợi ích của mình đối với nước – như một nguồn lực cần thiết, một tài sản kinh tế và một kho báu môi trường. Cách tiếp cận toàn diện của PUB trong quản lý nước, có thể được tóm tắt trong 3 chiến lược chính, đó là: Thu thập từng giọt nước; Tái sử dụng nước không ngừng và khử muối trong nước biển. Nói dễ hiểu hơn, họ tận dụng, chưng cất các nguồn tự nhiên như nước mưa, nước ở các lưu vực sông; Tái chế nước thải và khử muối, lọc, để biến nước biển thành nước uống được.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã làm cho các nguồn nước tự nhiên như nước mưa và nước từ các con sông trở nên không đáng tin cậy. Do vậy, trong những năm gần đây, đảo quốc sư tử này đang tập trung vào các dự án xử lý nước đã qua sử dụng và khử muối từ nước biển.

Nhà máy khử muối Tuaspring tại Singapore.

Năm 2003, Dự án NEWater được giới thiệu. Đây là tên của nguồn nước tinh khiết, an toàn cho ăn uống, sinh hoạt và sử dụng vào các mục đích khác, được xử lý từ nước đã qua sử dụng, qua 3 cấp: Lọc Ultra (UF), lọc thẩm thấu ngược (RO) và khử trùng bằng tia cực tím (UV).

Bên cạnh NEWater, nước biển được lọc và khử muối đang là một trong những nguồn cung cấp nước sạch chính cho Singapore, cung cấp tới 25% nhu cầu nước của quốc đảo sư tử. Nhà máy khử mặn đầu tiên của Singapore mở cửa vào năm 2005, với nhiệm vụ lọc nước biển, khử muối, tạo nước ngọt và đáp ứng một phần nhu cầu của người dân.

Gần đây nhất, ngày 22-12, Công ty Keppel Infrastructure đã được PUB trao thầu thiết kế, xây dựng, sở hữu và vận hành nhà máy khử mặn thứ 4 của Singapore. Tọa lạc ở Marina East và dự kiến vận hành vào năm 2020, nhà máy này sẽ là nhà máy đầu tiên ở Singapore có khả năng xử lý cả nước biển và nước ngọt từ Marina Reservoir, bơm thêm vào nguồn cung cấp nước sạch của Singapore tới 137.000m3, bằng cách sử dụng công nghệ thẩm thấu ngược và màng tiên tiến khác.

Số nhà máy khử mặn trong tương lai của Singapore chắc chắn sẽ tăng thêm, bởi theo Phó giám đốc Chua Soon Guan của PUB, các dự án khử muối trong nước biển là một phần quan trọng trong danh mục đầu tư cấp nước của Singapore. Ông Chua cũng cho biết thêm, PUB đã có kế hoạch mở rộng công suất của các nhà máy khử mặn của Singapore để có thể đáp ứng lên đến 30% nhu cầu nước trong tương lai của quốc đảo này.

Theo tính toán của PUB, nhu cầu dùng nước ở Singapore hiện nay là khoảng 430 triệu lít nước mỗi ngày, trong đó nhu cầu sử dụng nước trong các hộ gia đình chiếm tới 45%. Năm 2060, tổng nhu cầu nước có thể tăng gần gấp đôi. Đến lúc đó, NEWater và nguồn nước biển đã qua lọc và khử muối sẽ đáp ứng tới 85% nhu cầu nước trong tương lai của Singapore.

Trả lời