Theo báo cáo mới đây của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) về chất lượng nước thế giới, tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt đang ở mức báo động tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh, đe dọa đời sống người dân, gây thiệt hại kinh tế cho các quốc gia.
UNEP cảnh báo, hơn 300 triệu người ở 3 châu lục trên đang có nguy cơ mắc các bệnh dịch tả và thương hàn do tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ngày càng suy giảm do lượng chất thải công nghiệp không qua xử lý thải ra các sông, hồ. Trao đổi về vấn đề này, Phụ trách Chương trình Khoa học của UNEP Jacqueline McGlade cho biết, lượng nước chưa qua xử lý thải vào các sông, hồ ngày càng nhiều đã trở thành vấn đề lo ngại hiện nay, nguyên nhân là do sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế nhanh tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh.
Ông Jaqueline McGlade cho rằng, việc khôi phục những dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng và ngăn chặn các dòng sông tiếp tục bị ô nhiễm sẽ thành công nếu các nước trên thế giới cùng hành động để BVMT nước. Báo cáo của UNEP đã chỉ ra rằng, trong giai đoạn 1990 – 2010, môi trường nước của hơn 50% các dòng sông ở 3 châu lục bị ô nhiễm vi sinh vật và ô nhiễm hữu cơ, đồng thời, nước bị nhiễm mặn cũng tăng gần 1/3. Khoảng ¼ các con sông ở châu Mỹ Latinh, 10 – 25% sông ở châu Phi và 50% các con sông ở châu Á bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm vi sinh vật, phần lớn là do việc xả nước thải, chất thải, rác thải sinh hoạt chưa qua xử lý ra sông. Đặc biệt, tại nhiều quốc gia, 90% người dân sử dụng nước mặt bị ô nhiễm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hoặc cho mục đích tưới tiêu và bơi lội, tạo mối đe dọa lớn đến sức khỏe. Theo thống kê trong Báo cáo của UNEP, trung bình mỗi năm có khoảng 3,4 triệu người chết tại 3 châu lục do các bệnh liên quan đến vi sinh vật gây bệnh có trong nước mặt như dịch tả, thương hàn, bại liệt, tiêu chảy, viêm gan… và ước tính khoảng 25 triệu người ở châu Mỹ Latinh, 164 triệu ở châu Phi, 134 triệu người ở châu Á có nguy cơ lây nhiễm các bệnh trên.
Ngoài ra, nguồn nước mặt ở 3 châu lục hiện đang bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng do nước thải, chất thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp từ các khu công nghiệp, đô thị, nhà máy… với nhiều loại chất hữu cơ phức tạp, độc hại, ảnh hưởng đến các loại thủy sinh. Bên cạnh đó, nước thải từ các hoạt động khai khoáng, hệ thống thủy lợi cùng với hiện tượng xâm nhập mặn cũng làm gia tăng độ mặn trong nước sông. Từ năm 1990 – 2010, 1/3 số dòng sông ở 3 châu lục xảy ra tình trạng nước bị nhiễm mặn. Đặc biệt, ở các ao, hồ, sông và kênh dẫn nước thải, vấn đề ô nhiễm dinh dưỡng đang làm cho chất lượng nước thay đổi theo chiều hướng xấu, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Một trong những hậu quả chính của vấn đề này là hiện tượng phú dưỡng, xảy ra khi dư thừa các chất dinh dưỡng trong môi trường nước, thông thường là hàm lượng nitơ (N) lớn hơn 500µg/l và phốtpho (P) lớn hơn 20μg/l. Sự dư thừa các chất dinh dưỡng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các loài tảo, rong, rêu, thực vật phù du trong nước, dẫn đến thiếu dưỡng khí, cạn kiệt ôxy hòa tan, giảm số lượng cá thể cá và các quần thể động vật khác. Theo Báo cáo của UNEP, 23/25 hồ lớn của thế giới có hàm lượng phốt pho lớn, chủ yếu là từ các nguồn như phân bón, chất thải chăn nuôi, chất thải sinh hoạt.
Hầu hết các hồ lớn ở châu Mỹ Latinh và châu Phi hiện có hàm lượng phốt pho cao hơn so với năm 1990. Ông Jacqueline McGlade nhấn mạnh: “Trước tình trạng ô nhiễm nước ở các sông, hồ tại 3 châu: Á, Phi, Mỹ La tinh ngày càng gia tăng, sẽ phải mất nhiều kinh phí để làm sạch nguồn nước bị ô nhiễm, nhưng nếu các quốc gia cùng quản lý môi trường nước hiệu quả, bao gồm cả việc phòng ngừa ô nhiễm thì sẽ tiết kiệm được chi phí xử lý ô nhiễm. Đã đến lúc chúng ta phải sử dụng những công cụ quản lý môi trường để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nước đang gia tăng, vì sức khỏe con người và sự phát triển bền vững thế giới”. Tuy nhiên, Báo cáo cũng nêu rõ, để giải quyết vấn đề trên, các quốc gia cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp sau: Tăng cường thực hiện quan trắc môi trường nước, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, nhằm đánh giá chính xác thực trạng môi trường nước, đồng thời, mở rộng phạm vi quan trắc môi trường nước (liên vùng, liên quốc gia); Đánh giá chất lượng nước một cách toàn diện ở cấp quốc gia và quốc tế để xác định các điểm ô nhiễm, từ đó triển khai các hành động ưu tiên giải quyết vấn đề ô nhiễm nước trên toàn cầu; Nghiên cứu, lựa chọn phương thức quản lý và giải pháp kỹ thuật mới (gồm cả việc sử dụng các phương pháp xử lý nước thải truyền thống, áp dụng các giải pháp quản lý và kỹ thuật để quản lý chất lượng nước); Thiết lập khung pháp lý, quy định thể chế về BVMT nước, góp phần thúc đẩy công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm nước; Xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra sông, hồ; Tái chế nước thải phục vụ tưới tiêu và bảo vệ các hệ sinh thái…
Việc giải quyết các thách thức toàn cầu liên quan đến chất lượng nước cần được kết nối chặt chẽ với nhiều vấn đề ưu tiên khác của đời sống xã hội. Báo cáo của UNEP cho thấy, thách thức của việc bảo vệ chất lượng nước được đan xen với nhiều mục tiêu khác của xã hội (cung cấp thực phẩm, phát triển kinh tế và vệ sinh an toàn…).
Theo Tạp chí môi trường